dimanche 13 mai 2018

Ông Trump và Giải Nobel Hòa Bình - Ký Thiệt

https://i2.wp.com/www.mercatornet.com/images/new/FB_Donald-Trump-Smiling_with_NP.jpg?resize=722%2C379&ssl=1Liệu Tổng thống Donald Trump sẽ được Ủy Ban Nobel Na Uy trao tặng Giải Nobel Hòa Bình do vai trò của ông trong việc đưa đến sự “hòa giải” giữa Bắc Hàn (cộng sản) và Nam Hàn (không cộng sản)?
Đây là câu hỏi đang được nhiều người bàn cãi từ mấy tuần nay khi “lãnh tụ kính yêu” Kim Jong Un của CS Bắc Hàn, mà ông Trump gọi là “người hỏa tiễn” (rocket man) chán món đồ chơi chết người hỏa tiễn với đầu đạn nguyên tử, bất ngờ tuyên bố sẵn sàng gặp nhau tay đôi với ông tổng thống Hoa Kỳ để nói chuyện hòa bình và giải giới võ khí nguyên tử.

Thế giới chưng hửng, không tin “cậu Ủn” nói thật thì lại tới chuyện ông Trump nhanh chóng trả lời đồng ‎ý!
TTDC (Truyền Thông Dòng Chính, hay Truyền Thông Dân Chủ) nhao nhao chê ông Trump hấp tấp nhận lời vì thiếu kinh nghiệm chính trị và tiên đoán cuộc họp thượng đỉnh đó sẽ chẳng đi tới đâu, ông Trump sẽ vỡ mặt. Thế nhưng, những gì diễn ra sau đó đã chứng minh ngược lại, từ chuyện ông Mike Pompeo, cựu giám đốc CIA vừa được đề cử làm ngoại trưởng, đã âm thầm bay sang Bình Nhưỡng vào một ngày cuối tuần đẹp trời gặp Kim Jong Un để thảo luận chi tiết, chuẩn bị cho cuộc họp với TT Trump, trong đó có địa điểm sẽ diễn ra cuộc họp, đến việc hai nhà lãnh đạo của Bắc và Nam Hàn gặp nhau tại Bàn-Môn-Điếm ngày 27 tháng 4, tay bắt mặt mừng rất “hữu nghị” và đã ký‎ chung một bản tuyên bố về việc sống chung hòa bình và giải giới võ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên.
Một cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn không còn là một “trò đùa” nữa và viễn ảnh hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và cả Vùng Đông Á chưa bao giờ tươi sáng hơn. Do đó, chuyện trao Giải Nobel Hòa Bình cho TT Trump đã được nói tới, được bàn cãi khá nhiều và khá gay gắt, dù thời hạn đề cử ứng viên cho năm nay đã chấm dứt từ ngày 31.1.2018 với 330 ứng viên (216 nam và 114 nữ). Vì vậy, nếu ông Trump có được trao Giải Nobel Hòa Bình thì cũng chỉ xảy ra vào năm sau, 2019.
Ngày 2 tháng 5, Dân biểu Luke Messer cùng với 17 dân biểu Cộng Hòa khác đã chính thức viết thư cho Ủy ban Nobel đề cử TT Donald Trump cho Giải Nobel Hòa bình 2019 do những nỗ lực đã làm cho Kim Jong Un từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử.
Như thường lệ, TTDC và TTTT đã đánh phá ông Trump không nương tay. Ký mục gia Maureen Dowd trên tờ New York Times chế giễu rằng nếu ông Trump mà thắng giải thì ông ta sẽ là “chú cartoon được giải Nobel Hòa bình”, và bà ta viết thêm rằng “những cái đầu cũng sẽ nổ tung ra từ Chappaqua cho tới Hollywood” về ý kiến không thể nghĩ được cho rằng cái Giải Nobel Hòa bình sẽ bảo đảm cho ông Trump nhiệm kỳ tổng thống thứ hai”.
Về phần ông Trump thì không có vẻ quan tâm tới chuyện Giải Nobel Hòa bình, và nói rằng “chỉ thời gian sẽ cho biết” những biến chuyển lịch sử nhanh  chóng sẽ mang lại hòa bình lâu dài hay chỉ là sân khấu chính trị thoáng qua.
Thật vậy, cái chế độ cộng sản kiểu Xít-ta-lin ở Bắc Hàn có tên chính thức là “Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên” (Democratic People’s Republic of Korea, viết tắt là DPRK) mà giòng họ nhà Kim thay nhau cầm quyền cha truyền con nối đến nay đã ba đời (Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Kim Chính Ân tức Kim Jong Un) từ nhiều năm nay đã xoay vần qua mấy đời tổng thống Mỹ – Clinton, Bush (con), Obama – với những đàm phán, điều đình để có hàng hóa, xăng dầu, và những đặc quyền đặc lợi mà đổi lại, Hoa Kỳ gần như chẳng được cái lợi gì.
Phen này liệu có gì khác?
TT Donald Trump, tự khoe là bậc thầy về “nghệ thuật điều đình, trả giá”, tiên đoán  chuyện rất ngoạn mục có thể xảy ra tại cuộc họp thượng đỉnh của ông ta với Kim Jong Un, và cho biết “Bắc Hàn đang đối xử với chúng ta trong sự tôn kính cực kỳ. Tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm để xem tôi có thể đàm phán về hòa bình với Bắc Hàn hay không.”
Ông Trump hứa sẽ không để “bị chơi” giống như các tổng thống tiền nhiệm, và cho biết đã đá ra ngoài những những kẻ mà ông coi là vô tài bây giờ lại chỉ vẽ cho ông làm cách nào để điều đình với cậu Ủn.

https://i1.wp.com/a57.foxnews.com/images.foxnews.com/content/fox-news/politics/2018/04/30/south-korean-president-trump-should-win-nobel-peace-prize/_jcr_content/article-text/article-par-8/inline_spotlight_ima/image.img.jpg/612/344/1525090330015.jpg?resize=678%2C381  

Dù còn trẻ, 34 tuổi, Kim Jong Un tỏ ra là một tay lãnh đạo khôn ngoan và đóng kịch xuất sắc. Hãy xem những gì “cậu Ủn” trình diễn tại Bàn-Môn-Điếm trong cuộc hội kiến Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in ngày 27 tháng 4 vừa qua và nghe “rocket man” nói khi ký bản tuyên bố chung: “Chúng ta sẽ hợp tác với nhau để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh khủng khiếp nữa. Với một ngôn ngữ, một văn hóa và một lịch sử, Bắc và Nam Hàn sẽ cùng hợp tác với nhau như một quốc gia.”
Qua sự bày tỏ ‘thiện chí chân thành” của Kim Jong Un, kỳ vọng về cuộc họp thượng đỉnh đang lên cao đối với các bên liên hệ, nhưng ông Trump vẫn tự đặt mình trong tình trạng cảnh giác cao và dè dặt nói ông sẽ “kính cẩn bước ra” khỏi cuộc họp hơn là làm một cái “deal” tệ hại. Và, chắc hẳn ông Trump không lúc nào quên kẻ đối đầu với ông là một tay cộng sản độc tài tàn bạo, và chắc ông vẫn nhớ Otto Warmbier, chàng sinh viên Đại Học Virginia 22 tuổi, vạm vỡ, khỏe mạnh, tới thăm Bình Nhưỡng và đã bị bắt, bị kết án 15 năm tù về tội định đem một cái bích chương tuyên truyền của CS Bắc Hàn về Mỹ. Ngồi tù được 17 tháng, Otto được nhà nước CS Bắc Hàn … khoan hồng, giảm án, và cho trở về Mỹ vào tháng 6 năm 2017 trong tình trạng hôn mê và điếc, nhiều chiếc răng đã bị nhổ bằng một cái kìm sắt, về nhà được vài ngày thì chết.
“Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên” vừa loan báo sẽ trả tự do cho ba công dân Mỹ. Hy vọng ba người này sẽ không cùng chung một số phận với Otto để làm “món quà thiện chí” cho cuộc họp thượng đỉnh sắp tới. Nhưng, với tất cả những “thiện chí” mà Cộng sản Bắc Hàn đã phô diễn, mục tiêu thực sự mà Kim Jong Un nhắm tới là gì vẫn còn là điều bí mật, và làm cách nào để ngăn cản “người hỏa tiễn” đạt được những mục tiêu đen tối ấy mới là điều làm ông Trump quan tâm, chứ không phải là cái Giải Nobel Hòa Bình chỉ mang một giá trị tương đối và phần nào phù phiếm mà thôi, ngoài số tiền hơn một triệu đô-la cho mỗi giải kèm với một huy chương vàng trên đó có khắc hình Nobel.
Thật vậy, Giải Nobel Hòa Bình là một trong sáu giải thưởng hàng năm theo di chúc của Alfred Nobel, được lập ra để trao cho những người có đóng góp cao nhất cho phúc lợi của nhân loại qua hành động của họ. Ngoài giải thưởng về hòa bình, năm giải kia là về văn chương, vật lý, hóa học, kinh tế, và y học.
Alfred Nobel (1833-1896), người Thụy Điển, là một nhà hóa học, kỹ sư, nhà phát minh, thương gia, và là người nhân đức. Nobel nắm giữ 355 môn bài sáng chế, trong đó nổi tiếng nhất là môn bài về chất nổ. Nobel cũng là chủ nhân ông Bofors, một công ty lúc đầu chuyên sản xuất sắt thép, về sau được chuyển sang chế tạo súng đại bác và các loại vũ khí khác. Trước khi qua đời, Alfred Nobel viết bản di chúc cuối cùng năm 1895, lập ra các giải thưởng và trích phần lớn trong lợi tức hàng năm để trao tặng những người được giải.
Riêng Giải Nobel Hòa Bình, bắt đầu từ năm 1901 đến nay, đã được trao tặng cho 102 người (86 nam, 16 nữ) và 23 tổ chức, đồng thời cũng đã mang nhiều tai tiếng.

https://i1.wp.com/truthfeednews.com/wp-content/uploads/2018/04/TRUMP-NOBEL-PRIZE-009-01-800x416.jpg?resize=706%2C367

Ở đây, chỉ xin nói tới bốn ông tổng thống Mỹ đã được trao Giải Nobel Hòa Bình: Theodore Roosevelt (1906), Wooddrow Wilson (1919), Jimmy Carter (2002), và Barak Obama (2009).
Chỉ riêng TT Roosevelt, nguyên thủy là Đảng Cộng Hòa nhưng sau đó đã bỏ đảng. Ba vị tổng thống Wilson, Carter và Obama đều cùng phe Dân Chủ.
Để qua một bên TT Wilson không có gì đáng nói, ông Carter, tổng thống một nhiệm kỳ (1977-1981) cũng được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 2002 (hơn 20 năm sau khi rời Bạch Cung) mà lý‎ do sâu xa được xem như một sự trả lời của Ủy Ban Nobel cho những đe dọa của TT Bush (con) lúc ấy về cuộc chiến tranh với Iraq và hậu thuẫn cho sự chỉ trích của ông Carter nhắm vào chính quyền Bush lúc ấy.
TT Clinton, nếu không để lại kỷ vật trên chiếc áo xanh của nàng Monica thì có nhiều phần chắc cũng đã được vinh dự trao Giải Nobel Hoa Bình do “đóng góp cao nhất cho phúc lợi và hòa bình của nhân loại”! Nhưng, ông Phó Al Gore của TT Clinton cũng đã được chia cái Giải Nobel Hòa Bình năm 2007 với IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change) nhờ những hoạt động hăng say về bảo vệ môi sinh.
Còn ông Obama thì được trao Giải Nobel Hòa Bình năm 2009 sau khi đắc cử tổng thống chưa được một năm với lý‎ do mơ hồ, nguyên văn như sau: “for his extraordinary efforts to strengthen international diplomacy and cooperation between peoples.”!
Rõ ràng Ủy Ban Nobel đã tỏ ra “mặn” với Đảng Dân Chủ Mỹ và “lạt” với Đảng Cộng Hòa. Từ ngày có Giải Nobel Hòa Bình vào năm 1901 tới nay, thế giới đã trải qua hai cuộc Đại Chiến, lần thứ nhất (1914-1918), lần thứ hai (1939-1945), và một cuộc Chiến Tranh Lạnh (1945-1991).
Nước Mỹ đã đứng ra lãnh đạo và cứu nhân loại ra khỏi cả ba thảm họa ấy mà nếu chỉ kể cuộc Thế Chiến II và Cuộc Chiến Tranh Lạnh thì nhân loại không thể quên công lớn của hai người: TT Eisenhower và TT Reagan. Cả hai đều bị Ủy Ban Nobel ngó lơ! Nhất là với Đại tướng Eisenhower, người hùng của Cuộc Thế Chiến thứ hai.
Trong suốt 5 năm, từ 1939 tới 1943, không có Giải Nobel Hòa Bình nào được trao tặng cho ai vì cả Âu Châu ngập chìm trong máu lửa, Ủy Ban Nobel không được triệu tập, mà nếu có họp thì chắc cũng chẳng có ứng viên nào để cho Ủy Ban phát Giải. Ngày 6.6.1944, dưới quyền tổng tư lệnh của Tướng Eisenhower, liên quân Anh Mỹ đổ bộ lên bãi biển Normandie, giải phóng Âu Châu, tái lập hòa bình và an ninh cho lục địa này, trong đó có Thụy Điển và Na Uy. Nếu Tướng “Ike” mà tình cờ ở phía Đảng Dân Chủ thì chắc đã được Ủy Ban Nobel long trọng trao tặng Giải Nobel Hòa Bình đầu tiên sau 5 năm gián đoạn vì chiến tranh.

https://i1.wp.com/image.slidesharecdn.com/unit8powerpointthecoldwarbegins-110829150013-phpapp02/95/unit-8-powerpoint-the-cold-war-begins-6-728.jpg?resize=728%2C546&ssl=1

Sau Thế chiến II lại đến Chiến Tranh Lạnh. Cả Âu Châu ở dưới sự đe dọa của con Gấu Đỏ Liên-Sô nằm sát bên nách, phải liên kết với Mỹ để phòng vệ trong lúc Thụy Điển và mấy nước Bắc Âu theo chính sách trung lập thiên tả, “đứng giữa”, để tránh bị lôi kéo vào cuộc Thế Chiến III với những kho võ khí nguyên tử khổng lồ của Mỹ và Nga.
Suốt những năm cuộc chiến tại Việt Nam leo thang dữ dội, Thụy Điển và các nước Bắc Âu ngả về phía CS Bắc Việt và ác cảm với VNCH trong cuộc chiến đấu tự vệ. Phong trào “phản chiến”, chống Mỹ can thiệp vào VN ở đây rất bất lợi cho VNCH tại cuộc “hòa đàm” đang diễn ra ở Paris.
Năm 1972, cụ Trần Văn Ân, lúc đó là Phụ tá Chính trị Đặc biệt của TT Thiệu, được cử sang Bắc Âu để “giải độc”. Tới thăm sau khi cụ trở về, cụ Trần Văn Ân không cầm được nước mắt, nói:
–  Buồn lắm! Họ ủng hộ bọn cộng sản xâm lược và ác cảm với mình ra mặt, không cần che đậy.
Năm sau, cái quái thai mang tên “Chấm dứt Chiến tranh và Tái lập Hòa bình tại VN” được khai sinh và hai kẻ đã tạo ra nó, Lê Đức Thọ và Kissinger, đã được chia nhau cái Giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Kissinger đã hãnh diện đi nhận Giải. Lê Đức Thọ vắng mặt, từ chối và trơ trẽn nêu lý do: “đất nước Việt Nam chưa thể có được hòa bình chừng nào chưa đánh đổ được chế độ tay sai của Mỹ.”
Nền “hòa bình” ấy đã có vào hai năm sau, bằng lừa đảo, bằng súng đạn, bắn giết. Nền “hòa bình” mà TT Nguyễn Văn Thiệu gọi là “hòa bình của nấm mồ”.
Không biết những người trong Ủy Ban Nobel năm 1973 có cảm thấy “rát mặt”? Và một câu hỏi không thể không đặt ra:
– Giải Nobel Hòa Bình có còn giá trị như lúc ban đầu, với mục đích và ước mơ của người đã khai sinh ra nó?
Và, câu trả lời sẽ hữu ích cho TT Donald Trump.
K‎ý Thiệt

https://baotgm.net/ky-thiet-ong-trump-va-giai-nobel-hoa-binh/ 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire