dimanche 13 août 2023

Gặp lại Phan Nhật Nam trên Quốc Lộ 1 (Kỳ 2) - Trần Vũ

https://www.sbtn.tv/wp-content/uploads/2017/09/aa-6.jpgLTS: Tháng Tư luôn là  một ám ảnh của người Việt, dù hải ngoại hay trong nước, và là nỗi băn khoăn, ray rứt cho cả những người thế hệ sau chiến tranh. Trẻ xin được phép đăng lại bài phỏng vấn người lính Phan Nhật Nam của  “người thế hệ sau” Trần Vũ như một chia sẻ đến quý độc giả một người đã trực tiếp bảo vệ cho nền tự do của Miền Nam. Do diện tích trang báo giới hạn, bài phỏng vấn này sẽ được chia làm 3 kỳ. Mời quý bạn đọc theo dõi…


Trần Vũ: Giống hầu hết các thiếu niên thành thị, tôi không biết miền Nam đang chiến tranh. Thủ đô Sàigòn với đường Nguyễn Du êm dịu, đường Duy Tân thơ mộng, đại lộ Nguyễn Huệ thênh thang, đại lộ Lê Lợi sầm uất, đánh lừa tôi là đất nước rất yên bình. Dạo đó tôi đã bắt đầu say mê chiến tranh, những trận đánh của Rommel, Hoth, Kesselring, Guderian, von Kleist, von Manstein của tủ sách Adolf Hitler của nhà xuất bản Sông Kiên, các hồi ký Thái Bình Dương của Saburo Sakai, Tameichi Hara… Phải đến Phan Nhật Nam, phải sau khi đọc Dọc đường số 1, Dấu binh lửa, Mùa hè đỏ lửa, tôi mới bất chợt khám phá chiến tranh ở Long Thành, ở Trảng Bom, ở Dầu Tiếng, ở đồn điền Xa Cam cách nơi mình sinh sống không đầy trăm cây số. Hơn một khám phá chiến tranh, tôi khám phá chân dung của người lính Cộng Hòa mà tôi thực sự tin vào những điều anh viết. Chân dung của người lính miền Nam, cao cả, bình lặng, bi tráng trên một đất nước điêu linh, trầm thống. Và người lính đó với 50 ký lô xương thịt, với tất cả bất công của cuộc chiến, cong oằn xuống dưới sức nặng của 35 ký đạn dược, chăn mùng mền, thực phẩm đã tồn tại như một phép lạ nhiệm mầu. Tôi chỉ lặp lại những điều anh viết. Hôm nay, đã bại trận, anh còn tin vào những điều mình đã viết? Có thật nhiệm mầu, khi nhiệm mầu không xảy ra, đã chấm dứt. Anh có cường điệu, đã tô vẽ thái quá hình ảnh của người lính Cộng Hòa hay không? Và phẩm chất tác chiến của người lính Cộng Hòa có thật sự như anh viết trong bút ký? Tôi muốn một câu trả lời thật.
Phan Nhật Nam: Không điều gì phải cường điệu, hoặc nói quá nếu sự thật không phải là như thế, chỉ sợ không đủ tư cách, khả năng, bản lĩnh để nói về Sự Thật (dẫu đau lòng cay nghiệt) ấy mà thôi. Tôi không hề viết về “những anh lính hào hoa, viết thơ cho người yêu trên ba-lô, dưới ánh trăng, gắn hoa lên đầu nòng súng…” như cách mô tả trong văn chương, âm nhạc đại chúng miền Nam; hoặc “đường ra trận mùa nầy đẹp lắm.. Bác cùng chúng cháu hành quân..” của văn công ngoài Bắc. Tôi viết về Hạ sĩ Toản mang máy truyền tin đại đội phải đào ngũ vì gia đình ngoài Trung lâm cùng cảnh tan tác; binh nhất Huệ tự tử khi đứng gác do buồn phiền chuyện người vợ… Nhưng chính những người lính gầy gò, khắc khổ, phải tình cảnh tội nghiệp kia của sáu tiểu đoàn nhảy dù đã đánh trận Đồi 1062, tại Thường Đức, Quảng Nam với cách thức cá nhân tác chiến, cắn từng bụi cỏ, bám đá núi để xông lên cận chiến chiếm mục tiêu đối phương cố thủ từ tháng 8/1974. Những mục tiêu được phòng thủ cực độ vững chắc với thân cây rừng đặt sâu trong lòng núi mà bom và pháo binh không thể phá hủy được. Đánh từ tháng 8 đến tháng 11, mất đi, chiếm lại từng thước đất, đã có lúc bị trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 CSBV dùng hỏa công thiêu đốt như trận đánh ngày 29/10/74. Chiếm lĩnh, kiểm soát được toàn bộ các cao độ 1235, 1062 quanh quận Thường Đức để rồi tháng 3-1975 được lệnh rời bỏ những vị trí đã đánh đổi bởi mạng sống của bao đồng đội, máu của bản thân… Lính rút ra quận Đại Lộc, cởi đôi giày, chiếc vớ kéo theo lớp da chân từ bao ngày bó chặt! Hãy nhớ, lính và sĩ quan những đơn vị Tổng trừ bị (Dù, TQLC, Biệt Động); kể cả những sư đoàn diện địa như Sư đoàn 1 Bộ Binh (Trị-Thiên); các đại đội thám sát tỉnh… phần đông nếu không nói hầu hết là lính tình nguyện. Ở trường Thủ Đức, sĩ quan mãn khóa phải giành nhau chỗ về Nhảy dù, TQLC; sĩ quan thủ khoa các khóa 16, 18, 19, 20 Đà Lạt đồng chọn đơn vị Tổng trừ bị. Phải thấy cảnh tượng đoàn xe GMC đậu ở Ngã Sáu Sàigòn (bùng binh tượng Phù Đổng Thiên Vương) trong suốt năm 1972 thay phiên nhau đưa sinh viên các phân khoa đại học Sàigòn tình nguyện nhập ngũ về Quân vụ Thị trấn (trại Lê Văn Duyệt); gia đình phần đông không được họ thông báo về quyết định tình nguyện nhận nhiệm vụ nguy nan của người lính. Nguy nan chết người chứ không như sách báo, thi ca, âm nhạc tô vẽ… Sĩ quan đại đội 94/Tiểu đoàn 9 Dù chỉ trong một đêm Giao thừa Mậu Thân 68 đã đồng loạt tử trận tại tuyến chiến đấu nơi khu nhà thờ Tri Bưu Quảng Trị; đơn vị chỉ còn lại một chuẩn úy mới ra trường Thủ Đức do đi phép về tiền trạm đóng ở Huế ăn Tết, và trung úy Tâm đi phép Sàigòn cưới vợ. Chỉ có lính Sư đoàn 1 Bộ Binh mới có khả năng chiếm lại các căn cứ Bastogne, Checkmate mà Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trước đây phải rời bỏ vì không chịu nổi áp lực địch trong mùa hè 1972.       
Trước 1975, những người lính kể trên không một lời tán thán. Không một lần đòi được đền bù, báo ân. Và những giờ phút đầu tiên của ngày 30/4/1975, họ là những người bị bắn ngay trên giường bệnh viện Đỗ Vinh, bệnh viện 3 Dã Chiến Sàigòn nếu có lời chống cự, không di chuyển được do thương trận từ những ngày chiến trận tàn cuộc… Họ phải sống vì không còn khả năng tay, chân thực hiện lần tự sát; phải sống để chứng kiến con đi nhặt rác, chết vì đạp đinh nhiễm trùng sài uốn ván; vợ mang thân đi khách ở chợ Bà Chiểu bị công an bắt vào trại phục hồi nhân phẩm, chết do lây bệnh phong tình không chữa trị… Chữ “nhiệm mầu” nói sao cho đủ, đúng về trường hợp của mỗi Người Lính nầy (mà không là trường hợp cá biệt/nhưng là trường hợp tổng quát, chung nhất). Tôi cảm nhận, thấy ra rất rõ điều nầy từ ngày mới ra trường, sống cùng những “bác trung sĩ, hạ sĩ…” chung trung đội, đại đội; nhìn những đứa con, những người vợ của họ nơi trại gia binh. Suốt những tháng đầu năm 1968, trong chiến dịch dài hạn bảo vệ vòng đai Sàigòn, ở Nhị Bình, Gò Vấp, Gia Định, mỗi buổi sáng di chuyển ra khỏi chỗ đóng quân là đụng địch, đạp phải mìn bẫy… nhưng những người lính vẫn bước tới sau thoáng chớp mắt ưu tư, tiếng thở dài rất ngắn ghìm giữ lại. Miền Nam có được 21 năm tự do-dân chủ trên lưng những người lính nầy. Sau 30/4/1975, cả dân tộc (không phân biệt Nam-Bắc) đồng lâm cảnh cùng khốn vì không còn người lính Bảo quốc-An dân. Người Việt Nam biến thành loại tiện dân, phiêu bạt khắp cùng thế giới, nơi các trại tỵ nạn, giữa các đảo hoang vây quanh, giày xéo bởi hải tặc Thái, ngư phủ Mã Lai hung hiểm. Thế nên: Chữ “nhiệm mầu” sợ nói không đủ đối với trị giá, phẩm chất của Người Lính Miền Nam. Hơn thế nữa, bản thân họ và gia đình đồng lần lâm cảnh huống, chịu đựng chung thân phận bi thảm của mỗi người Việt. Họ gánh phần nặng nhất, đau thương nhất, trước tiên hơn bất cứ ai. Nhiệm Mầu – Mystère có âm hưởng tương tự với Misère – Cùng Khốn. Nói có đủ đâu hở Vũ!


Trần Vũ: Nhưng ở đâu ngày 30 tháng 4-1975, các “nhân vật” thật của anh, những nhân vật kiêu hùng đã làm chúng tôi say mê? Ở đâu “Mê Linh” Mễ, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Dù? Ở đâu “Lê Lợi tân thời” Lê Quang Lưỡng, con beo gấm của Nhảy dù? Ở đâu trung tá Nguyễn Văn Đỉnh người đã “bắt tay” An Lộc, thiếu tá Phạm Kim Bằng đã giữ Đồi Gió, Đồi Quốc Tuấn, “Robert Lửa” Nguyễn Xuân Phúc, niên trưởng của Khóa 18 Võ bị Quốc gia Đà Lạt? Và ở đâu những trung tá Bùi Quyền đã “đục” thành Quảng Trị, thiếu tá Lô “Lọ rượu” đã phá chốt đèo Chu Pao… Tại sao tất cả biến mất? Tại sao tất cả tan hàng? Ở đâu những Long Phụng, Tố Quyên, Trọng Nhi, Minh Hiếu, những “Đích Thân”, những tiểu đoàn trưởng xuất sắc Nguyễn Chí Hiếu của tiểu đoàn 5, “Bắc Bình vương” Đoàn Thiện Tuyển của tiểu đoàn 8, những “đường sơn đại huynh” của pháo binh Dù và những chi đoàn chiến xa M-48 “hung nhất miền Trung” từng xuất hiện trong Mùa hè đỏ lửa của anh? Và cá nhân Phan Nhật Nam ở đâu, anh làm gì?
Phan Nhật Nam: Tất cả vẫn còn hiện diện đủ trong ngày 30 tháng 4, 1975 – Tất nhiên chỉ vắng mặt những người đã chết, tránh được sự nhục nhằn của lần sụp vỡ đầu hàng. Vậy chết chưa hẳn đã là điều đau thương, hứng chịu nghiệt ngã. Nhưng những người lính còn sống ấy có thể làm gì khi chính bản thân và đơn vị họ rơi vào chiếc bẫy sập giăng ra từ lần rút bỏ Tây Nguyên (15/3); Huế (24/3); Đà Nẵng (29/3); Nha Trang (30/3)… và cuối cùng, cửa ngõ Đông-Bắc Sàigòn, Long Khánh (20/4). Chỉ riêng lần rút bỏ Tây Nguyên, chỉ còn 5 ngàn quân trong 20,000 quân nhân thuộc các đơn vị tiếp vận; 900 lính của 5 Liên đoàn Biệt Động Quân về đến Tuy Hòa sau 10 ngày tái phối trí lực lượng! 75% lực lượng của Quân đoàn II gồm bộ binh, thiết giáp, chiến xa, truyền tin, công binh.. bị tiêu diệt trên 200 cây số đường di tản (Cao Văn Viên, The Final Collapse, trg 153-155). Riêng bản thân cá nhân khi (28/3) theo nhân viên cứu trợ đến tại trại tạm cư đèo Rù Rì nhận biết được số liệu có 60,000 dân của 200,000 người từ Tây Nguyên di tản về đồng bằng… 140,000 người kia nay sống chết nơi đâu? Dân và lính chết không phân biệt, người dân Huế-Thừa Thiên chết trên “pháp trường cát” Thuận An cùng lúc, cùng cảnh, cùng lần với lính Lữ đoàn 258 TQLC… Những người lính dựng cờ nơi Cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị trong ngày hè lẫm liệt 1972 nay trần trụi phơi thân dưới đạn pháo, trên sóng nước bãi biển Thuận An. Cũng tương tự như thế, những chốt nhỏ cấp bán tiểu đội của các Tiểu đoàn 2, 5, 6 Dù hoàn toàn bất lực (như một điều tất nhiên) trước đợt tấn công của một quân đoàn gồm ba sư đoàn bộ binh nặng của Mặt Trận B3/CS từ Ban Mê Thuộc cùng ào xuống đồng bằng theo ngả đèo Khánh Dương. Bản thân mỗi người lính chiến đấu ở cấp tiểu đội, đại đội kia có thể làm được gì? Thậm chí cho tập trung được một lữ đoàn, như trường hợp Lữ đoàn 1 Dù dưới quyền chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh, với Lữ đoàn phó Lê Hồng, giữ được mặt trận Long Khánh vài ba ngày cuối cùng cũng phải rút lui theo lệnh của Tổng thống Thiệu theo tỉnh lộ 2 về Phước Tuy… Sự cố ý xé bỏ (các đơn vị Tổng trừ bị) nầy rất dễ nhận ra, nên sau nầy tại hải ngoại, tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh cuối cùng của sư đoàn Dù đã có bài viết “Tại sao Thiệu xé lẻ sư đoàn Dù… Sư đoàn Nhảy Dù, Ai còn. Ai mất…”, dẫu ông luôn là người lính thuần thành chứ không là giới sinh hoạt chính trị. Trận đèo Khánh Dương trong vài ngày ngắn ngủi (cuối tháng 3/75) vỡ tan Lữ đoàn 3 gồm các Tiểu đoàn 2, 5, 6. Trận Phan Rang hai ngày 15, 16 tháng 4, Lữ đoàn 2 bị tràn ngập, Lữ đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Thu Lương bị bắt cùng với Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu III. Những ngày cuối cùng trước khi từ chức, ra nước ngoài, với chức vụ Tổng thống, ông Thiệu quyết định việc điều động đến cấp tiểu đoàn bởi lo sợ một âm mưu đảo chính – Mối lo sợ về một mưu định rất có khả năng thực hiện bởi bất cứ một sĩ quan cấp chỉ huy nào.        
Triệu Tử Long có thể phò ấu chúa A Đẩu giữa rừng gươm giáo thời Tam Quốc, nhưng Trung tá Nguyễn Lô với một tiểu đội lính còn lại làm sao ngăn cản đợt tấn công cuối cùng của chiến dịch HCM gồm 16 sư đoàn bộ binh cộng sản Bắc Việt, chưa kể lính chủ lực Miền, và du kích địa phương? Cuộc tổng tấn công được cả một khối cộng sản yểm trợ, và quốc hội Hoa Kỳ quyết liệt cắt giảm quân viện.

 
Nhưng dẫu có nhận được vài trăm triệu đô-la kia tất cả cũng đã là vô ích vì không phải đợi đến những ngày sau di tản triệt thoái cao nguyên (3/75) mới bày ra cơn hấp hối của Miền Nam mà đã nên thành hiện thực từ mặt trận im lặng nơi Dinh Độc Lập với một “ước tính chiến lược” qua phiên họp hai ngày 9, 10 tháng 12/1974: Sẽ không tăng viện cho Vùng II (Cao Nguyên), chỉ củng cố vòng phòng thủ Nam và Tây Sàigòn, hướng Tây Ninh (cách Sài gòn 100 cây số)… Viên gián điệp tình báo chiến lược nơi Dinh Độc Lập (một trong bốn người thân tín của ông Thiệu) khẩn cấp báo về Hà Nội ngày 20 – bản báo cáo tuyệt mật nầy văn phòng CIA ở Sàigòn bắt được nhưng họ “cũng cùng đành im lặng” vì nhân viên tình báo kia cũng làm việc cho họ. Chúng ta có thể suy diễn không sai lầm sau 33 năm mất nước: Chẳng lẽ người Mỹ lại trực tiếp bày vẽ cho cộng sản nên đánh ở đâu? Trận Phước Long sau đó (mở màn 13/12/1974 và kết thúc ngày 28) với sự im lặng “rất có ý nghĩa của người Mỹ” qua thực thi nghiêm chỉnh Tu chính án Case & Chuck “Cấm tất cả hoạt động quân sự của Mỹ vào Đông Dương” được ban thành đạo luật bởi Nixon từ tháng 12/1973. Toàn tỉnh Phước Long đồng loạt bị lấn chiếm dẫu bộ Tổng Tham Mưu đã gởi đến đó Liên đoàn 81 Biệt Cách – đơn vị dựng nên kỳ tích ở mặt trận An Lộc, 4/1972. Năm ấy, 1974 không còn một phi xuất B52 yểm trợ, cùng lần, hạm đội 7 bỏ vùng biển Việt Nam quay mũi hướng về Châu Phi. Hạm đội hùng mạnh nầy cũng đã khóa chặt toàn thể vũ khí, kho máy bay, hệ thống phóng ngư lôi trong lần vỡ trận Hoàng Sa, 1/1974. Người lính, bản thân mỗi người lính Miền Nam làm được điều gì khi đạn bắn đi phải đếm từng viên một.         
            
Sau 30/4/75, 10 Tiểu đoàn trưởng Nhảy dù của 12 tiểu đoàn tác chiến có mặt tại trại tập trung, ba Lữ đoàn trưởng đồng nhận án hơn mười năm tù mỗi người. Năm người vượt trại đầu tiên nơi miền Bắc (7/1976) có ba trung tá và một thiếu tá thuộc Sư đoàn Nhảy Dù – Trung tá Nguyễn Lô, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù bình thản nói trước cột xử bắn: Tôi chịu trách nhiệm tất cả về việc trốn trại. Chúng tôi đã trình diện đi tù, chấp nhận cái chết là điều tất nhiên. Toàn trại ngồi chờ chứng kiến lần xử bắn đồng nghe rõ lời Sông Lô.
Tôi không hề cường điệu khi nói về những người bạn lính của mình – Họ vẫn giữ vững phần bền bỉ kiên cường trong phận số khắc nghiệt chung. Lẽ tất nhiên không phải tất cả đều ngang tầm kiệt liệt của Sông Lô – Nhưng có hề gì, ba-mươi ba năm sau 1975, hôm nay Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ vẫn hiện hữu. Ba Sọc Đỏ ấy tượng trưng cho Máu của Người Việt – có phần lớn máu người lính VNCH.       
 
 
 
Trần Vũ: Trưa 30 tháng 4, tôi hãy còn nhớ, sau khi tướng Dương Văn Minh đầu hàng, trong lòng tôi giận dỗi các anh vô cùng. Gia đình chúng tôi đã tin vào quân đội đến cùng, thầy tôi nhất quyết không di tản vì muốn sát cánh cùng quân đội. Mà như thầy nói, ai cũng chạy hết thì lấy ai giữ nước, nuôi quân đội? Chúng tôi buồn bã vô hạn. Tại sao các anh đầu hàng? Vì sao các anh tuân lệnh không một phản ứng? Tôi muốn biết vì sao người lính Cộng Hòa đầu hàng dễ dàng như vậy, trong một buổi trưa, trong vài giờ đồng hồ, không một chính biến, không một hành động sau cùng. Các anh đã kháng cự suốt hai mươi năm, mà sao không ai truất quyền Dương Văn Minh phút cuối cùng? Sao không lui về Cần Thơ, Phú Quốc kháng cự như Tưởng Giới Thạch đã lui về Đài Loan? Tôi muốn tin chính ước vọng hòa bình, ý thức nội chiến khiến các anh quyết định chấm dứt tương tàn, chấp nhận tù đày để đất nước thanh bình, nhưng rồi hòa bình không như mong muốn, thống nhất nhưng vẫn phân chia Nam – Bắc, phân chia giai cấp, phân chia Ngụy và Liệt sĩ, khiến các anh căm phẫn. Rất nhiều cựu sĩ quan miền Nam nói với tôi là họ ân hận đã buông súng. Nếu biết trước sau 30 tháng 4 sẽ như vậy, họ sẽ chiến đấu đến cùng, đến chết, không đầu hàng. Còn Phan Nhật Nam? Nếu bây giờ đi lại trên quốc lộ 1, cùng với Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù cũ của anh, đi đầu đại đội 72 mà anh từng làm đại đội trưởng, nhận lệnh buông súng, anh phản ứng ra sao?
Phan Nhật Nam: Bản thân tôi không cố ý làm ra điều văn vẻ, trầm tư để viết nên văn chương chữ nghĩa khi trả lời câu hỏi nầy… Nhưng chẳng cần đợi đến sáng 30 tháng Tư, 1975 mà tôi đã viết đủ trong “Ngày Thật chết với quê hương” – Cái Chết thật ra đã hiện diện với những báo trước rất cụ thể từ trận Đồng Xoài (6/1965); từ Mậu Thân (1968)… Hằng đêm từ đồi Căn Cứ Nguyễn Huệ (hậu cứ Lữ đoàn 2 Dù) nhìn ra Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa… Và gần nhất là đêm tối 15/3/1975 tại Pleiku khi Quân đoàn II bắt đầu lần rút bỏ Cao Nguyên; chiều 25/3 trên đèo Hải Vân (địa giới Thừa Thiên-Quảng Nam) khi Lữ đoàn 1 Dù bàn giao vị trí cho Tiểu đoàn 8 TQLC; trong ngày 30/3, khi toàn thành phố Nha Trang câm lắng xuống để nghe tiếng sóng đập vào bờ qua dãy xác chết lắt lay trên bãi cát… Toàn xác chết đàn bà con trẻ. Nhiếp ảnh viên Kevin Carter, người đoạt giải Pulitzer về phóng sự nạn đói ở Sudan, đã không thể sống nổi sau khi chụp cảnh đứa trẻ hấp hối trước con kên kên chờ móc ruột! Cũng tương tự như thế, những người lính, cụ thể bản thân với chính xác thân, mỗi giác quan với từng giờ, từng ngày suốt từ 13/3 cho đến 30 tháng 4… thấy ra một điều: Sống là một cái tội! Chết cũng là một sự vô ích… Trở lại sự kiện bản thân ở lại Sàigòn sau 30/4, có nhiều nguyên do khách quan, chủ quan, tích cực và tiêu cực… nhưng bao trùm tất cả là cảm ứng: Đi Mỹ hay ở lại (chết) ở Việt Nam tất cả cũng là vô ích – Hẳn nhiều người cũng có ý nghĩ nầy nhưng không nói ra lời đấy thôi… Cũng cần nói thêm một phản ứng có thật: Mong được chấm dứt chiến tranh với giá sinh mạng là bản thân mình thì cũng là điều đáng chấp nhận… Và tự an ủi khi ngồi trong toa chở súc vật trên chuyến tàu lên Yên Bái đêm 22/6/1976: Coi như đất nước thanh bình (được) đi chuyến tàu lên Miền Bắc! Nhưng tất cả cảm ứng “tự an ủi / tự thúc giục nầy” dần bị đổ nhào như gặp phải tình cảnh sáng mồng hai Tết Mậu Ngọ (1978) khi đi thu hoạch lúa ở ngọn đồi sau lưng Trại 10 (Yên Bái)… Người đàn ông dáng thanh lịch dẫu áo quần rách vá, vẻ hư hao, tiều tụy (cung cách của người Hà Nội trước 1954 rất dễ nhận) đi với cô con gái mặt đẹp như ngọc, đầu trần chân đất, quần rách lai tơi tả, sữa non con so thấm ướt ngực áo mỏng theo đoàn tù mót lúa rớt trong buổi sáng đầu xuân sương mù giá rét miền núi đất Bắc… Người đàn ông trầm giọng nói trong tiếng khóc bị nén: Các ông tội nặng lắm… Con tôi từ năm 1954 đến giờ không có được chén cơm trắng, cháu ngoại tôi từ ngày sinh chỉ uống nước cháo loãng pha muối cầm hơi… Mấy mươi năm chờ đợi các ông từ trong Nam ra với hy vọng được sống cho ra dạng người thế mà cớ sự lại như thế nầy đây! Bạn ta ơi Miền Nam không thể thắng được vì họa chung của cả dân tộc đã nên hình. Tôi không quá mê tín, nhưng ngày 28/3/75 khi đi trên đoạn đường Nha Trang-Cam Ranh giẫm lên cây số đường dài sâu bọ bung lên tự lòng đất nên đã hiểu ra điều: Cơn hấp hối, tận diệt quê hương đã thành sự thật! Bản thân người lính làm gì được? Họ lại là người chết trước tiên. 

 Trần Vũ

http://baotreonline.com/gap-lai-phan-nhat-nam-tren-quoc-lo-1-ky-2/  


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire